Chuẩn mực kiểm toán số 320: Mức trọng yếu trong lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán
HỆ THỐNG CHUẨN MỰC
KIỂM TOÁN VIỆT NAM
Chuẩn mực kiểm toán
số 320: Mức trọng yếu trong
lập kế hoạch và
thực hiện kiểm toán
(Ban hành kèm theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC
ngày 06 tháng 12 năm
2012 của Bộ Tài chính)
I/ QUY
ĐỊNH CHUNG
Phạm vi áp dụng
01. Chuẩn mực kiểm
toán này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên và
doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) trong việc áp
dụng khái niệm “mức trọng yếu” trong lập kế hoạch và thực hiện cuộc
kiểm toán báo cáo tài chính. Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 450
hướng dẫn cách áp dụng mức trọng yếu trong việc đánh giá ảnh hưởng
của các sai sót được phát hiện đối với cuộc kiểm toán và đánh giá
ảnh hưởng của những sai sót chưa được điều chỉnh (nếu có) đối với
báo cáo tài chính.
02. Các khuôn khổ về
lập và trình bày báo cáo tài chính đã quy định và hướng dẫn về
khái niệm mức trọng yếu trong việc lập và trình bày báo cáo tài
chính. Mặc dù khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có
đề cập đến khái niệm mức trọng yếu theo các thuật ngữ khác nhau,
nhưng nhìn chung, mức trọng yếu được hiểu như sau:
-
Những sai sót, bao gồm cả việc bỏ sót, được coi là trọng yếu nếu
những sai sót này, khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại, được xem xét
ở mức độ hợp lý, có thể gây ảnh hưởng tới quyết định kinh tế của
người sử dụng báo cáo tài chính;
-
Những xét đoán về mức trọng yếu được thực hiện trong từng trường
hợp cụ thể và bị ảnh hưởng bởi quy mô hay bản chất của sai sót,
hoặc được tổng hợp của cả hai yếu tố trên;
-
Những xét đoán về các vấn đề trọng yếu đối với người sử dụng báo
cáo tài chính phải dựa trên việc xem xét các nhu cầu chung về thông
tin tài chính của nhóm người sử dụng, như các nhà đầu tư, ngân hàng,
chủ nợ,...
Những ảnh hưởng có thể có của các sai sót đến một số
ít người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính mà nhu cầu của họ
có nhiều khác biệt so với phần lớn những người sử dụng thông tin trên
báo cáo tài chính sẽ không được xét đến.
03. Các khái niệm về
mức trọng yếu, nếu quy định trong khuôn khổ về lập và trình bày báo
cáo tài chính, sẽ là cơ sở cho kiểm toán viên xác định mức trọng
yếu của cuộc kiểm toán.
Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo
tài chính không đưa ra khái niệm về mức trọng yếu, các đặc tính được
nêu trong đoạn 02 Chuẩn mực này sẽ giúp kiểm toán viên có cơ sở để
xác định mức trọng yếu.
04. Việc xác định
mức trọng yếu của kiểm toán viên mang tính xét đoán chuyên môn và phụ
thuộc vào nhận thức của kiểm toán viên về nhu cầu của người sử dụng
thông tin trên báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, kiểm toán viên
có thể giả định rằng, người sử dụng báo cáo tài chính:
(a) Có sự hiểu biết
hợp lý về hoạt động kinh doanh, về kinh tế và tài chính, kế toán và
quan tâm nghiên cứu thông tin trên báo cáo tài chính với sự cẩn trọng
một cách hợp lý;
(b) Hiểu rằng báo
cáo tài chính được lập, trình bày và được kiểm toán trên cơ sở mức
trọng yếu;
(c) Nhận thức được
tính không chắc chắn tiềm tàng trong việc xác định giá trị do việc
sử dụng các ước tính kế toán, các xét đoán và yếu tố của các sự
kiện xảy ra trong tương lai;
(d) Đưa ra các quyết
định kinh tế hợp lý trên cơ sở các thông tin trên báo cáo tài
chính.
05. Kiểm toán viên
phải áp dụng khái niệm mức trọng yếu cả khi lập kế hoạch kiểm toán
và thực hiện cuộc kiểm toán, khi đánh giá ảnh hưởng của các sai sót
đã phát hiện trong quá trình kiểm toán, kể cả ảnh hưởng của những
sai sót chưa được điều chỉnh (nếu có) đối với báo cáo tài chính và
khi hình thành ý kiến kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A1 Chuẩn mực
này).
06. Khi lập kế hoạch
kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra các xét đoán về quy mô của các sai
sót sẽ được coi là trọng yếu. Các xét đoán này cung cấp cơ sở cho
việc:
(a) Xác định nội
dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục
đánh giá rủi ro;
(b) Nhận biết và
đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu;
(c) Xác định nội
dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục
kiểm toán tiếp theo.
Khi lập kế hoạch
kiểm toán, mức trọng yếu được xác định không nhất thiết phải là mức
giá trị mà dưới mức đó, các sai sót không được điều chỉnh, khi xét
riêng lẻ hoặc tổng hợp lại, luôn được đánh giá là không trọng yếu.
Trong một số trường hợp cụ thể, sai sót có thể được đánh giá là
trọng yếu mặc dù giá trị của sai sót đó thấp hơn mức trọng yếu.
Mặc dù khó có thể thiết lập được các thủ tục kiểm toán để phát
hiện các sai sót riêng lẻ có tính trọng yếu do bản chất của sai sót
nhưng khi đánh giá ảnh hưởng của các sai sót không được điều chỉnh
đối với báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải xem xét đồng thời cả
quy mô và bản chất của sai sót cũng như tình huống cụ thể xảy ra các
sai sót đó (xem hướng dẫn tại đoạn A16 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
số 450).
07. Kiểm toán viên và
doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ các quy định của Chuẩn mực này
trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.
Đơn vị được kiểm
toán (khách hàng) phải có những hiểu biết nhất định về Chuẩn mực
này để phối hợp công việc và xử lý các mối quan hệ liên quan đến
việc xác định mức trọng yếu của các thông tin đã được kiểm
toán.
Mục tiêu
08. Mục tiêu của kiểm
toán viên và doanh nghiệp kiểm toán là áp dụng khái niệm mức trọng
yếu một cách phù hợp khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán.
09. Trong các chuẩn
mực kiểm toán Việt Nam, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như
sau:
(a) Trọng yếu: Là
thuật ngữ dùng để thể hiện tầm quan trọng của một thông tin (một số
liệu kế toán) trong báo cáo tài chính.
Thông tin được coi là trọng
yếu có nghĩa là nếu thiếu thông tin đó hoặc thiếu tính chính xác
của thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của người
sử dụng báo cáo tài chính;
(b) Mức trọng yếu:
Là một mức giá trị do kiểm toán viên xác định tùy thuộc vào tầm
quan trọng và tính chất của thông tin hay sai sót được đánh giá trong
hoàn cảnh cụ thể.
Mức trọng yếu là một ngưỡng, một
điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải
có. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét cả trên
phương diện định lượng và định tính;
(c) Mức trọng yếu
thực hiện: Là một mức giá trị hoặc các mức giá trị do kiểm toán
viên xác định ở mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể báo
cáo tài chính nhằm giảm khả năng sai sót tới một mức độ thấp hợp
lý để tổng hợp ảnh hưởng của các sai sót không được điều chỉnh và
không được phát hiện không vượt quá mức trọng yếu đối với tổng thể
báo cáo tài chính.
Trong một số trường hợp, “mức trọng yếu thực
hiện” có thể hiểu là mức giá trị hoặc các mức giá trị do kiểm
toán viên xác định thấp hơn mức hoặc các mức trọng yếu của một nhóm
các giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh trên báo cáo
tài chính.
II/
NỘI DUNG CHUẨN MỰC
Yêu
cầu
10. Khi lập chiến
lược kiểm toán tổng thể, kiểm toán viên phải xác định mức trọng yếu
đối với tổng thể báo cáo tài chính.
Trong những trường hợp cụ thể
của đơn vị được kiểm toán, nếu có một hoặc một số nhóm các giao
dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh (nếu xét riêng lẻ) có
sai sót với mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo
tài chính nhưng có thể ảnh hưởng (nếu xét tổng thể) đến quyết định
kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính, thì kiểm toán viên
phải xác định mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu áp dụng cho
từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh (xem
hướng dẫn tại đoạn A2 - A11 Chuẩn mực này).
11. Kiểm toán viên
phải xác định mức trọng yếu thực hiện cho mục đích đánh giá các
rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định nội dung, lịch trình, phạm
vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo trong quá trình kiểm toán (xem
hướng dẫn tại đoạn A12 Chuẩn mực này).
12. Kiểm toán viên
phải sửa đổi mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính và
mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư
tài khoản hay thông tin thuyết minh trong trường hợp kiểm toán viên có
thêm thông tin trong quá trình kiểm toán mà có thể dẫn đến việc thay
đổi mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu so với mức xác định trước
đó (xem hướng dẫn tại đoạn A13 Chuẩn mực này).
13. Nếu kiểm toán
viên kết luận rằng việc áp dụng một mức trọng yếu thấp hơn mức
trọng yếu đã xác định trước đó đối với tổng thể báo cáo tài chính
và mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số
dư tài khoản hay thông tin thuyết minh là phù hợp thì kiểm toán viên
phải xác định xem có cần phải sửa đổi lại mức trọng yếu thực hiện,
và xem nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán
tiếp theo có còn phù hợp hay không.
Tài
liệu, hồ sơ kiểm toán
14. Kiểm toán viên
phải lưu trong hồ sơ kiểm toán các số liệu và
cơ sở xác định về mức trọng yếu sau (xem đoạn 08 - 11 và đoạn A6
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 230):
(a) Mức trọng yếu
đối với tổng thể báo cáo tài chính (xem đoạn 10 Chuẩn mực
này);
(b) Mức trọng yếu
hoặc các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay
thông tin thuyết minh (xem đoạn 10 Chuẩn mực này);
(c) Mức trọng yếu
thực hiện (xem đoạn 11 Chuẩn mực này);
(d) Những sửa đổi
của các mức trọng yếu từ mục (a) đến mục (c) nêu trên trong quá trình
thực hiện cuộc kiểm toán (xem đoạn 12 - 13 Chuẩn mực này).
Khi thực hiện Chuẩn
mực này cần tham khảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số
200.
Mức
trọng yếu và rủi ro kiểm toán (hướng dẫn đoạn 05 Chuẩn mực
này)
A1. Khi thực hiện một
cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, mục tiêu tổng thể của kiểm toán
viên là :
(1) đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu báo cáo tài
chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian
lận hoặc nhầm lẫn hay không, từ đó giúp kiểm toán viên đưa ra ý kiến
về việc liệu báo cáo tài chính có được lập phù hợp với khuôn khổ
về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng trên các khía
cạnh trọng yếu hay chưa;
(2) lập báo cáo kiểm toán về báo cáo tài
chính và trao đổi thông tin theo quy định của chuẩn mực kiểm toán, phù
hợp với các phát hiện của kiểm toán viên (xem đoạn 11 Chuẩn mực kiểm
toán Việt Nam số 200).
Kiểm toán viên đạt được sự đảm bảo hợp lý
bằng cách thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để
giảm rủi ro kiểm toán tới mức thấp có thể chấp nhận được theo quy
định tại đoạn 17 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200.
Rủi ro kiểm
toán là rủi ro mà kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phù
hợp khi báo cáo tài chính còn chứa đựng sai sót trọng yếu. Rủi ro
kiểm toán bao gồm rủi ro có sai sót trọng yếu và rủi ro phát hiện
(theo quy định tại đoạn 13(c) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200).
Mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán cần được xem xét trong suốt quá
trình kiểm toán, khi:
(a) Xác định và đánh
giá rủi ro có sai sót trọng yếu (xem Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số
315);
(b) Xác định nội
dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục
kiểm toán tiếp theo cần thực hiện (xem Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
số 330);
(c) Đánh giá ảnh
hưởng của các sai sót chưa được điều chỉnh (nếu có) trên báo cáo tài
chính (xem Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 450) và hình thành ý kiến
kiểm toán (xem Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700).
Lưu ý khi kiểm toán
các đơn vị trong lĩnh vực công (hướng dẫn đoạn 10 Chuẩn mực
này)
A2. Đối với các đơn
vị trong lĩnh vực công, cơ quan quản lý nhà nước là đối tượng chủ
yếu sử dụng báo cáo tài chính. Đồng thời, báo cáo
tài chính có thể được cơ quan quản lý nhà nước sử dụng để đưa ra
các quyết định khác ngoài các quyết định kinh tế. Do đó, việc
xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính và mức
trọng yếu hay các mức trọng yếu cho nhóm các giao dịch, số dư tài
khoản và thông tin thuyết minh trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính
của các đơn vị trong lĩnh vực công chịu ảnh hưởng bởi pháp luật, các
quy định và nhu cầu sử dụng thông tin tài chính của cơ quan quản lý
nhà nước và công chúng liên quan đến các chương trình của lĩnh vực
công.
Sử dụng tiêu chí để
xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính (hướng
dẫn đoạn 10 Chuẩn mực này)
A3. Việc xác định mức trọng yếu đòi hỏi các xét đoán chuyên
môn. Thông thường, kiểm toán viên sử dụng một tỷ lệ phần trăm
(%) áp dụng cho một tiêu chí được lựa chọn làm điểm khởi đầu trong
việc xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc xác định tiêu chí phù hợp bao
gồm:
(1) Các yếu tố của
báo cáo tài chính (ví dụ tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, doanh
thu, chi phí);
(2) Các khoản mục
trên báo cáo tài chính mà người sử dụng thường quan tâm (ví dụ, để
đánh giá tình hình hoạt động, người sử dụng báo cáo tài chính
thường quan tâm đến các khoản mục lợi nhuận, doanh thu hoặc tài sản
ròng);
(3) Đặc điểm hoạt
động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, đặc điểm ngành nghề và môi
trường kinh doanh mà đơn vị đang hoạt động;
(4) Cơ cấu sở hữu
vốn của đơn vị được kiểm toán và cách thức đơn vị huy động vốn (ví
dụ, nếu đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay thì
người sử dụng báo cáo tài chính có thể quan tâm nhiều hơn đến tài
sản và quyền của chủ nợ đối với tài sản này hơn là quan tâm đến
lợi nhuận của đơn vị);
(5) Khả năng thay đổi
tương đối của tiêu chí đã được xác định.
A4. Một số ví dụ về
các tiêu chí phù hợp, tùy thuộc vào từng trường hợp của đơn vị được
kiểm toán, có thể bao gồm các khoản mục thu nhập được báo cáo như
lợi nhuận trước thuế, tổng doanh thu, lợi nhuận gộp và tổng chi phí,
tổng vốn chủ sở hữu và giá trị tài sản ròng.
Lợi nhuận trước thuế
từ hoạt động kinh doanh liên tục thường được sử dụng cho các đơn vị
hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
Khi lợi nhuận trước thuế dễ bị
biến động, các tiêu chí khác có thể sẽ phù hợp hơn như lợi nhuận
gộp hoặc tổng doanh thu.
A5. Liên quan đến các
tiêu chí đã được lựa chọn, các dữ liệu tài chính phù hợp thường bao
gồm các số liệu về kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của
các kỳ trước, các số liệu về kết quả kinh doanh và tình hình tài
chính lũy kế đến kỳ này, và kế hoạch hay dự đoán cho kỳ hiện tại,
được điều chỉnh khi có biến động lớn theo từng trường hợp của đơn vị
được kiểm toán (ví dụ, một giao dịch hợp nhất kinh doanh lớn) và
những thay đổi liên quan trong ngành nghề hay môi trường kinh doanh mà đơn
vị đang hoạt động.
Ví dụ, khi ở điểm khởi đầu, mức trọng yếu đối
với tổng thể báo cáo tài chính được xác định cho một đơn vị cụ thể
ở mức một tỷ lệ phần trăm nhất định trên lợi nhuận trước thuế từ
hoạt động kinh doanh liên tục. Khi có các biến động bất thường làm
tăng hoặc giảm đáng kể lợi nhuận trước thuế, kiểm toán viên có thể
xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính bằng
cách sử dụng một mức lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh
liên tục đã loại trừ ảnh hưởng của các biến động bất thường, dựa
vào kết quả kinh doanh của các kỳ trước.
A6. Mức trọng yếu
phải được xác định gắn liền với báo cáo tài chính mà kiểm toán
viên thực hiện kiểm toán. Khi báo cáo tài chính được lập cho kỳ kế
toán dài hơn hoặc ngắn hơn 12 tháng, ví dụ đối với một số đơn vị
mới thành lập hoặc thay đổi kỳ kế toán, mức trọng yếu cần phải
được xác định dựa trên báo cáo tài chính được lập cho kỳ kế toán
đó.
A7. Kiểm toán viên
phải sử dụng xét đoán chuyên môn khi xác định tỷ lệ phần trăm (%) áp
dụng cho tiêu chí đã lựa chọn. Tỷ lệ phần trăm (%) và tiêu chí được
lựa chọn thường có mối liên hệ với nhau, như tỷ lệ phần trăm (%) áp
dụng cho mức lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh liên tục
thường cao hơn tỷ lệ phần trăm (%) áp dụng cho doanh thu.
Ví dụ, kiểm
toán viên có thể cân nhắc mức năm phần trăm (5%) trên lợi nhuận trước
thuế từ hoạt động kinh doanh liên tục đối với đơn vị hoạt động vì
mục tiêu lợi nhuận, trong khi đó kiểm toán viên có thể cân nhắc tỷ lệ
một phần trăm (1%) trên tổng doanh thu hoặc chi phí là phù hợp đối với
đơn vị hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm cao hơn hoặc
thấp hơn có thể được coi là phù hợp tùy theo từng trường hợp cụ
thể.
Lưu ý khi kiểm toán
các đơn vị nhỏ
A8. Khi lợi nhuận
trước thuế từ hoạt động kinh doanh liên tục của một đơn vị hoạt động
vì mục tiêu lợi nhuận thường xuyên ở mức thấp, có thể do Giám đốc
đồng thời là người chủ sở hữu doanh nghiệp đã thu lại phần lớn lợi
nhuận trước thuế dưới dạng tiền lương và các khoản thu nhập khác thì
tiêu chí lựa chọn để xác định mức trọng yếu là lợi nhuận trước
tiền lương, các khoản thu nhập khác và thuế có thể sẽ phù hợp
hơn.
Lưu ý khi kiểm toán
các đơn vị trong lĩnh vực công
A9. Khi kiểm toán các
đơn vị trong lĩnh vực công, tổng chi phí hoặc chi phí thuần (chi phí
trừ thu nhập) có thể là tiêu chí phù hợp cho
hoạt động của từng chương trình. Khi đơn vị hoạt
động trong lĩnh vực công có quản lý tài sản công, tài sản có thể là
tiêu chí phù hợp để xác định mức trọng yếu.
Mức trọng yếu hay
các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông
tin thuyết minh (hướng dẫn đoạn 10 Chuẩn mực này)
A10. Các yếu tố có
thể dẫn đến sự tồn tại của một hoặc một số nhóm các giao dịch, số
dư tài khoản hay thông tin thuyết minh mà theo đó, các sai sót mặc dù
thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính có thể
gây ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng thông tin trên
báo cáo tài chính, bao gồm:
(1) Pháp luật và các
quy định hoặc khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được
áp dụng có thể gây ảnh hưởng đến kỳ vọng của người sử dụng báo
cáo tài chính liên quan đến giá trị hay thông tin thuyết minh của một
số khoản mục nhất định trên báo cáo tài chính (ví dụ, giao dịch với
các bên liên quan và thù lao của Ban Giám đốc và Ban quản
trị);
(2) Những thông tin
thuyết minh quan trọng liên quan đến ngành nghề mà đơn vị được kiểm
toán đang hoạt động (ví dụ, chi phí nghiên cứu và triển khai của một
công ty dược);
(3) Người sử dụng
báo cáo tài chính quan tâm đến một lĩnh vực hoạt động nhất định của
đơn vị, cần được thuyết minh riêng rẽ trên báo cáo tài chính (ví dụ,
việc mới mua một bộ phận kinh doanh).
A11. Khi xem xét
trường hợp cụ thể của đơn vị được kiểm toán, nếu có sự tồn tại
của những nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh như
đã nêu tại đoạn A10 Chuẩn mực này thì kiểm toán viên có thể cần thu
thập thêm thông tin về quan điểm và kỳ vọng của Ban quản trị và Ban
Giám đốc đơn vị.
Mức trọng yếu thực
hiện (hướng dẫn đoạn 11 Chuẩn mực này)
A12. Việc lập kế
hoạch kiểm toán chỉ để phát hiện những sai sót trọng yếu một cách
đơn lẻ dẫn tới việc bỏ qua một thực tế là ảnh hưởng lũy kế của
các sai sót không trọng yếu đơn lẻ có thể làm cho báo cáo tài chính
còn chứa đựng các sai sót trọng yếu.
Việc này cũng chưa tính đến
những sai sót có thể không được phát hiện. Mức trọng yếu thực hiện
là một mức giá trị hoặc các mức giá trị do kiểm toán viên xác định
nhằm giảm khả năng các ảnh hưởng tổng hợp của các sai sót không được
điều chỉnh và không được phát hiện vượt quá mức trọng yếu đối với
tổng thể báo cáo tài chính xuống một mức độ thấp hợp lý.
Tương tự
như vậy, mức trọng yếu thực hiện liên quan tới mức trọng yếu được
xác định cho nhóm các giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết
minh cũng được đưa ra để làm giảm tới mức thấp có thể chấp nhận
được khả năng có thể xảy ra các sai sót không được điều chỉnh hoặc
không được phát hiện trong nhóm các giao dịch, số dư tài khoản và
thông tin thuyết minh.
Việc xác định mức trọng yếu thực hiện không chỉ
đơn thuần là một phép tính cơ học mà yêu cầu phải có những xét đoán
chuyên môn.
Việc xét đoán này phụ thuộc vào hiểu biết của kiểm toán
viên về đơn vị được kiểm toán, được cập nhật thay đổi trong suốt quá
trình thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro, và bản chất, phạm vi
của những sai sót đã phát hiện trong các cuộc kiểm toán trước và
đánh giá của kiểm toán viên về các sai sót trong kỳ hiện tại.
Sửa đổi mức trọng
yếu trong quá trình kiểm toán (hướng dẫn đoạn 12 Chuẩn mực này)
A13. Mức trọng yếu
đối với tổng thể báo cáo tài chính và mức trọng yếu hoặc các mức
trọng yếu đối với các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin
thuyết minh có thể cần phải được sửa đổi khi có các tình huống phát
sinh trong quá trình kiểm toán (ví dụ, đơn vị được kiểm toán quyết
định bán một bộ phận kinh doanh chính), có thêm các thông tin mới hay
việc thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán làm thay đổi hiểu biết
của kiểm toán viên về đơn vị được kiểm toán và hoạt động của đơn vị
đó. Ví dụ trong quá trình kiểm toán, nếu kết quả kinh doanh thực tế
khác khá nhiều so với kết quả dự kiến vào cuối kỳ đã được sử dụng
để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính thì
kiểm toán viên cần phải sửa đổi lại mức trọng yếu này./.