Khai thuế và xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán
Điều 21. Khai thuế và xác định số thuế phải nộp
theo phương pháp khoán
1. Đối tượng nộp thuế khoán
Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh hoặc khai
thác tài nguyên nộp thuế theo phương pháp khoán (gọi chung là Hộ nộp
thuế khoán) bao gồm:
a) Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không
đăng ký kinh doanh hoặc thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh
không đăng ký thuế và không thực hiện đăng ký thuế theo thời hạn đôn
đốc đăng ký thuế của cơ quan thuế.
b) Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không
thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
c) Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không
thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ dẫn đến không xác
định được số thuế phải nộp phù hợp với thực tế kinh doanh.
d) Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh khai
thác tài nguyên thủ công, phân tán, lưu động, không thường xuyên.
2. Loại thuế áp dụng theo phương pháp khoán bao
gồm:
a) Thuế giá trị gia tăng.
b) Thuế tiêu thụ đặc biệt.
c) Thuế thu nhập cá nhân.
d) Thuế tài nguyên.
đ) Phí bảo vệ môi trường đối với
hoạt động khai thác khoáng sản.
3. Hồ sơ khai thuế khoán
- Hộ nộp thuế khoán khai Tờ khai mẫu
số 01/THKH ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán đăng
ký giảm trừ gia cảnh nộp Phụ lục chi tiết giảm trừ gia cảnh mẫu số
01-1/THKH ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán có
sử dụng hóa đơn quyển thì hàng quý nộp Bảng kê hàng hóa dịch vụ
bán ra mẫu 03/THKH ban hành kèm theo Thông tư này.
- Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng
hóa đơn bán lẻ theo từng số khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu
nhập cá nhân theo từng lần phát sinh đối với doanh thu trên hóa đơn mẫu
số 01A/KK-HĐ ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán
a) Hộ nộp thuế khoán thực hiện khai thuế theo năm
(một năm khai một lần).
Từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 5 tháng 12 của năm
trước, cơ quan thuế phát Tờ khai thuế khoán năm sau cho tất cả các hộ
nộp thuế khoán.
Cơ quan thuế đôn đốc hộ nộp thuế khoán khai và
nộp Tờ khai thuế mẫu số 01/THKH cho cơ quan thuế. Thời hạn nộp hồ sơ
khai thuế chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước.
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán mới ra kinh doanh
hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản thì thời hạn nộp hồ sơ khai
thuế khoán chậm nhất là 10 (mười) ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh
hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán thay đổi ngành
nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên,
khoáng sản thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10
(mười) ngày kể từ ngày có thay đổi.
b) Trường hợp Hộ nộp thuế khoán có sử dụng hóa
đơn quyển thì thời hạn nộp Bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra chậm
nhất là ngày 15 của tháng đầu quý sau.
c) Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn
bán lẻ theo từng số thì thời điểm khai thuế là thời điểm đề nghị
được sử dụng hóa đơn tại cơ quan thuế.
5. Mức doanh thu không phải nộp thuế giá trị gia
tăng, thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp khoán
Hộ nộp thuế khoán có mức doanh thu bằng hoặc
dưới mức doanh thu không phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về
thuế giá trị gia tăng không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu
nhập cá nhân theo phương pháp khoán.
6. Xác định số thuế khoán
Căn cứ vào tài liệu khai thuế của Hộ nộp thuế
khoán về doanh thu, thu nhập, sản lượng, cơ sở dữ liệu của cơ quan
thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế, cơ quan thuế xác định doanh
thu và mức thuế khoán dự kiến của Hộ nộp thuế khoán để niêm yết
công khai, đồng thời tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã,
phường.
Đối với Hộ nộp thuế khoán hoạt động theo hình
thức nhóm cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế căn cứ thu nhập chịu thuế ấn
định của nhóm, tỷ lệ phân chia thu nhập và khai thuế giảm trừ gia
cảnh của từng thành viên để tính và thông báo số thuế khoán phải
nộp cả năm và số thuế tạm nộp theo từng quý của từng thành viên
trong nhóm.
Số thuế khoán được xác định cho từng quý và ổn
định trong một năm. Trường hợp Hộ nộp thuế khoán có thay đổi ngành
nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên,
khoáng sản thì cơ quan thuế điều chỉnh lại số thuế khoán và ổn định
trong thời gian còn lại của năm tính thuế.
7. Niêm yết công khai và tham vấn ý kiến Hội đồng
tư vấn thuế phường, xã
a. Niêm yết công khai
Chi cục Thuế thực hiện niêm yết công khai thông tin
về Hộ nộp thuế khoán tại địa điểm thích hợp (trụ sở UBND phường,
xã; trụ sở Đội thuế; Ban quản lý chợ; ...) và thông báo công khai địa
điểm niêm yết để Hộ nộp thuế khoán biết. Thời gian niêm yết công khai
từ ngày 02 tháng 01 đến ngày 10 tháng 01 hàng năm.
Tài liệu niêm yết công khai bao gồm: Mức doanh thu
không phải nộp thuế theo phương pháp khoán đối với từng nhóm ngành
nghề tại địa phương; danh sách Hộ nộp thuế khoán không thuộc diện nộp
thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; danh sách Hộ nộp thuế
khoán và mức thuế dự kiến phải nộp; địa chỉ nhận thông tin phản
hồi, góp ý về nội dung niêm yết công khai.
b. Tham vấn ý kiến Hội đồng tư vấn thuế xã,
phường
Chi cục Thuế tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội
đồng tư vấn thuế xã, phường về các tài liệu niêm yết công khai chậm
nhất là ngày 10 tháng 01 hàng năm. Nội dung lấy ý kiến tham vấn của
Hội đồng tư vấn thuế xã phường phải được lập thành Biên bản trong đó
ghi rõ các ý kiến về điều chỉnh doanh thu và số thuế phải nộp của
từng Hộ nộp thuế khoán để làm tài liệu duyệt bộ thuế.
8. Lập và duyệt Sổ bộ
Căn cứ tài liệu khai thuế của Hộ nộp thuế khoán,
kết quả điều tra thực tế, biên bản họp với Hội đồng tư vấn thuế xã,
phường, tổng hợp ý kiến Hộ nộp thuế khoán phản hồi khi niêm yết công
khai Chi cục Thuế thực hiện lập và duyệt Sổ bộ thuế. Tiền thuế
khoán được ổn định cho cả năm tính thuế, trừ trường hợp Hộ nộp thuế
khoán thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh. Việc duyệt Sổ bộ thuế ổn
định năm phải được thực hiện trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.
Hàng tháng, căn cứ vào tình hình biến động về
hoạt động của Hộ nộp thuế khoán (hộ mới ra kinh doanh; hộ tạm ngừng,
nghỉ kinh doanh; hộ thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh hoặc thay đổi
phương pháp tính thuế...) hoặc do những thay đổi về chính sách thuế
có ảnh hưởng đến mức thuế khoán phải nộp của Hộ nộp thuế khoán,
Chi cục Thuế duyệt Sổ bộ thuế điều chỉnh, bổ sung và thông báo lại
tiền thuế phải nộp trong tháng, quý cho Hộ nộp thuế khoán. Trường
hợp điều chỉnh tiền thuế do Hộ nộp thuế khoán thay đổi quy mô, ngành
nghề kinh doanh hoặc do thay đổi về chính sách thuế, tiền thuế điều
chỉnh lại được thực hiện ổn định cho các tháng có thay đổi, bổ sung
còn lại trong năm tính thuế.
Cục Thuế thực hiện công khai danh sách Hộ nộp
thuế khoán, có doanh thu, thu nhập thấp thuộc diện không phải nộp thuế
GTGT, thuế TNCN và công khai trạng thái kinh doanh, mức doanh thu, số
thuế phải nộp (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…) của Hộ
nộp thuế khoán đầy đủ, kịp thời trước ngày 30 tháng 01 hàng năm trên
trang điện tử của Cục Thuế. Trường hợp hộ, cá nhân mới ra kinh doanh
hoặc có điều chỉnh số thuế phải nộp, trạng thái kinh doanh thì Cục
Thuế thực hiện công khai thông tin hoặc điều chỉnh thông tin trên trang
điện tử của Cục Thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng mà hộ,
cá nhân mới ra kinh doanh hoặc có biến động.
9. Thời hạn thông báo thuế và thời hạn nộp
thuế
a) Thời hạn thông báo
a.1) Cơ quan thuế gửi Thông báo nộp thuế khoán theo
mẫu số 02/THKH ban hành kèm theo Thông tư này tới Hộ nộp thuế khoán
(bao gồm cả hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế GTGT và hộ
kinh doanh thuộc diện nộp thuế GTGT) chậm nhất là ngày 20 tháng 01
hàng năm. Thông báo một lần áp dụng cho các quý nộp thuế ổn định
trong năm.
Trường hợp điều chỉnh lại tiền thuế của Hộ nộp
thuế khoán thay đổi về quy mô, ngành nghề kinh doanh hoặc điều chỉnh
tiền thuế do thay đổi về chính sách thuế, cơ quan thuế gửi thông báo
mẫu số 02/THKH ban hành kèm theo Thông tư này cho Hộ nộp thuế khoán
chậm nhất là ngày 20 của tháng có thay đổi tiền thuế.
a.2) Trường hợp Hộ nộp thuế khoán mới ra kinh
doanh hoặc khai thác tài nguyên, khoáng sản thì cơ quan thuế gửi Thông
báo mẫu số 02/THKH ban hành kèm theo Thông tư này cho Hộ nộp thuế
khoán chậm nhất là ngày 20 của tháng có phát sinh tiền thuế phải
nộp.
a.3) Trường hợp Hộ nộp thuế khoán phát sinh số
thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp bổ sung do doanh
thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán thì cơ quan thuế gửi Thông báo
mẫu số 01-1/TB-HĐ ban hành kèm theo Thông tư này chậm nhất là ngày 20
của tháng đầu quý sau.
b) Thời hạn nộp thuế
b.1) Căn cứ Thông báo nộp thuế, Hộ nộp thuế khoán
nộp tiền thuế của quý chậm nhất là ngày cuối cùng của quý.
b.2) Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn
quyển thì thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia
tăng bổ sung chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
b.3) Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn
bán lẻ theo từng số thì thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế
giá trị gia tăng đối với doanh thu trên hóa đơn là thời điểm khai thuế
theo từng lần phát sinh.
10. Xác định số thuế của Hộ nộp thuế khoán trong
trường hợp có sự thay đổi doanh thu
a) Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn
quyển
- Trường hợp trong quý doanh thu trên hóa đơn thấp
hơn doanh thu khoán thì nộp thuế theo doanh thu khoán.
Trường hợp trong
quý doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán nhưng Hộ nộp thuế
khoán chứng minh được doanh thu phát sinh cao hơn doanh thu khoán không
phải do thay đổi quy mô, thay đổi ngành nghề mà do yếu tố khách quan
đột xuất thì Hộ nộp thuế khoán phải nộp bổ sung thuế thu nhập cá
nhân và thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp này cơ quan thuế không thực
hiện điều chỉnh lại doanh thu, số thuế đã khoán.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn
quyển có yêu cầu hoàn thuế thu nhập cá nhân thì doanh thu tính thuế
của năm được xác định như sau:
+ Nếu doanh thu trên hóa đơn của cả năm thấp hơn
doanh thu khoán thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu
khoán.
+ Nếu doanh thu trên hóa đơn của cả năm cao hơn doanh
thu khoán thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu trên hóa
đơn.
b) Đối với Hộ nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn do
cơ quan thuế bán lẻ theo từng số thì khai và nộp thuế thu nhập cá
nhân theo tỷ lệ 10% tính trên thu nhập chịu thuế và nộp thuế giá trị
gia tăng theo từng lần phát sinh.
c) Trường hợp Hộ nộp thuế khoán có thay đổi
ngành nghề, quy mô kinh doanh hoặc quy mô, sản lượng khai thác tài nguyên
khoáng sản thì khai lại Tờ khai mẫu số 01/THKH ban hành kèm theo Thông
tư này kể từ tháng thay đổi.
Cơ quan thuế xác định lại số thuế khoán phải nộp
cho các tháng có thay đổi và lập Thông báo mẫu số 02/THKH ban hành
kèm theo Thông tư này cho người nộp thuế.
- Trường hợp Hộ nộp thuế khoán không khai báo sự
thay đổi về ngành nghề, quy mô kinh doanh với cơ quan thuế hoặc khai báo
không trung thực, hoặc cơ quan thuế có tài liệu chứng minh có sự thay
đổi về quy mô của Hộ nộp thuế khoán dẫn đến tăng doanh số thì cơ quan
thuế có quyền yêu cầu Hộ nộp thuế khoán nộp bổ sung số thuế phát
sinh tăng so với số thuế đã khoán và ấn định mức thuế phải nộp cho
kỳ ổn định thuế phù hợp với tình hình kinh doanh.
11. Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh
doanh
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ
kinh doanh thì lập và gửi Thông báo tạm ngừng, nghỉ kinh doanh và đề
nghị miễn giảm thuế theo mẫu 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này đến
cơ quan thuế trong khoảng thời gian 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm
ngừng, nghỉ kinh doanh. Cơ quan thuế căn cứ vào thời gian tạm ngừng,
nghỉ kinh doanh của Hộ nộp thuế khoán để xác định số tiền thuế được
miễn, giảm và ban hành Quyết định miễn, giảm thuế mẫu số 03/MGTH
hoặc Thông báo không được miễn, giảm thuế mẫu số 04/MGTH ban hành kèm
theo Thông tư này. Số thuế Hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm
ngừng, nghỉ kinh doanh được xác định như sau:
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ
trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của
tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp
của quý; tương tự nếu nghỉ liên tục trọn 02 (hai) tháng trở lên được
giảm 2/3 số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn
quý được giảm toàn bộ số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp của quý.
Trường hợp Hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ
kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp
của tháng.
Trường hợp trong thời gian nghỉ kinh doanh, Hộ nộp
thuế khoán vẫn kinh doanh thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo
thông báo của cơ quan thuế.
Ví dụ 34: Ông A là cá nhân kinh doanh có số thuế
khoán phải nộp năm 2014 là 12,6 triệu đồng (trong đó thuế GTGT là 7,8
triệu, thuế TNCN là 4,8 triệu). Trong năm 2014, Ông A có nghỉ kinh doanh
liên tục từ ngày 20 tháng 02 đến hết ngày 20 tháng 6, trước khi nghỉ,
Ông A có gửi đến Chi cục thuế quản lý trực tiếp Thông báo tạm ngừng,
nghỉ kinh doanh trong thời hạn quy định.
Nghĩa vụ thuế của Ông A trong thời gian nghỉ kinh
doanh được xác định như sau:
- Số tháng nghỉ kinh doanh liên tục của Ông A là
tháng 3, tháng 4 và tháng 5;
- Số thuế giá trị gia tăng hàng tháng là 650.000
đồng (7,8 triệu đồng/12 tháng);
- Số thuế TNCN hàng tháng là 400.000 đồng (4,8
triệu đồng/12 tháng).
Do đó:
- Trong quý I: Ông A nghỉ kinh doanh liên tục 1 tháng
(tháng 3) nên Ông A không phải nộp thuế GTGT của tháng 3 là 650.000 đồng
và được giảm thuế thu nhập cá nhân của tháng 3 tương ứng với 400.000
đồng
- Trong quý II: Ông A nghỉ kinh doanh liên tục 2
tháng nên Ông A không phải nộp thuế GTGT của tháng 4 và tháng 5 là 1,3
triệu đồng và được giảm số thuế thu nhập cá nhân của tháng 4 và
tháng 5 tương ứng với 800.000 đồng.